Khu lưu niệm chính Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

Nhà thờ Nguyễn Du: Năm 1824, Nguyễn Ngũ (con Nguyễn Du) cùng con cháu trong dòng họ đã đưa hài cốt danh nhân về nhà cải táng và lập đền thờ ngay trên khu vườn nhà cũ của ông tại xóm Tiền, thôn Lương Năng (thuộc thôn Hòa Thuận ngày nay). Đến năm 1940, nhà thờ bị xuống cấp, hội Khai trí Tiến đức hỗ trợ 420 quan tiền giao cho cụ nghè Nguyễn Mai (đậu tiến sĩ năm 1904) chỉ đạo và giám sát việc di dời về đặt trong khu vườn gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền. Nhà thờ được xây dựng theo kiểu chữ đinh (gồm thượng điện và hạ điện), nội thất còn lưu lại bài vị bằng đá ghi tên hiệu, tuổi, tước vị (phẩm trật) của Nguyễn Du và lư hương phía ngoài còn lưu giữ được đôi câu đối quý giá của vua Minh Mệnh điếu Nguyễn Du lúc mất tại Huế. Năm 2011, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du được nâng cấp (xây thêm một tòa nhà bằng gỗ trước đền thờ hội Khai trí Tiến đức xây năm 1940) và khánh thành vào dịp kỷ niệm 247 năm sinh của Người vào tháng 11 năm 2012.[2]

Nhà Văn thánh - Bình văn: (Tư văn 1 và 2). Trước đây là "Văn miếu" hàng huyện thờ Khổng Tử và bài vị các nhà khoa bảng huyện Nghi Xuân, ban đầu đặt ở xã Xuân Viên. Khoảng năm 1735, Nguyễn Nghiễm sau khi đậu tiến sỹ, nhân đó đã xây "Văn miếu" trong khu vườn của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Hàng năm cứ dịp xuân về các bậc túc nho trong vùng hội tụ về đây bình văn, ngâm thơ.Đàn tế, bia đá Nguyễn Quỳnh: Năm 1762, sau khi Nguyễn Nghiễm được thăng chức Tể tướng, ông cùng con là Nguyễn Khản và em là Nguyễn Trọng, lập đàn tế, dựng bia đá tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha là Nhuận quận công Nguyễn Quỳnh và mẹ là Phan Thị Minh. Lời khắc trên bia, mặt trước là sắc phong truy tặng phẩm trật của cụ Nguyễn Quỳnh và bà Phan Thị Minh, mặt sau có chữ "Phúc" và dòng lạc khoản ghi tên, hiệu, chức tước của Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản.[2]

Hai cây cổ thụ: Cây muỗm và cây bồ lỗ. Trước đây, ông nội Nguyễn Du có trồng 3 cây trong khu vườn gia tộc Nguyễn Tiên Điền vào khoảng những năm 1715-1720. Năm 1956, cây rỏi bị đổ. Nay chỉ còn cây muỗm và cây bồ lỗ. Đây là những cây có tuổi thọ lâu năm nhất trong Khu lưu niệm Nguyễn Du.[2]

Không gian văn hóa Nguyễn Du: Được khởi công xây dựng vào năm 2000, thiết kế dựa theo ý tưởng kiến trúc đình làng Việt, gồm thư viện Nguyễn Du có diện tích 500 m2 với 1 phòng đọc đa chức năng; Hội trường nhà bảo tàng Nguyễn Du, trưng bày, giới thiệu 700 hiện vật quý hiếm liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du, dòng họ Nguyễn - Tiên Điền và trước tác Truyện Kiều. Ngoài sân không gian văn hóa được đặt tượng đồng tượng trưng Nguyễn Du vào năm 2002. Năm 2010, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng lắp đặt trung tâm Trung tâm ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa tại đây.[3]